Nó với anh thuộc loại khắc khẩu. Nó vẫn thường nhận xét về mối tình của mình như thế. Không ít khi những buổi nói chuyện giữa nó với anh (mà nó cho là những cuộc khẩu chiến) căng thẳng đến mức nó bật khóc giữa chừng vì cảm giác bị bắt bí.
Ngược lại, anh thích thú khi cho rằng chính những lúc đó, những cái “gai” xù xì nhất của nó mới có dịp giương lên hết cỡ, cả hai đều bộc lộ rõ nhất những tính cách của mình qua việc tranh luận, vì khi tức giận, dường như người ta chẳng che đậy, giấu diếm điều gì, cũng chẳng cần tô điểm mình bằng những lời có cánh, hoa mỹ. Đó là khi cả hai đang sống “thật” với nhau. Nếu vượt qua được những “cơn sóng gió” ấy thì tình yêu của mình mới vững.
Anh không muốn nó sớm đầu hàng mỗi khi tranh luận, bởi đó là dịp để nó rèn luyện khả năng chịu đựng, đương đầu với khó khăn, thử thách chứ không dễ dàng buông xuôi. Anh muốn nó dịu dàng, nữ tính chứ không yếu mềm, ủy mị, bản lĩnh, tự tin chứ không cố chấp, bướng bỉnh. Anh nói có lý, nhưng ngẫm lại nó thấy có gì không ổn, phụ nữ yêu bằng tai mà mỗi lần gặp nhau cứ tranh luận, nói lý nói lẽ thì còn gì ngọt ngào, lãng mạn? Anh bảo: “Phụ nữ “hảo ngọt” nên dễ mất tỉnh táo”. Nó gân cổ lên: “Chỉ có anh sáng suốt, khôn ngoan nên mới yêu bằng lý trí. Em thì khác, tụi mình không hợp nhau…”. Anh kịp bịt miệng nó trước khi nó “ca” lại điệp khúc muôn thuở “Vậy thì chia tay cho rồi…” kèm đôi mắt đỏ hoe chực khóc.
Có lúc nó giận anh đến không muốn nói chuyện, không thèm gửi mail, nhắn tin chứ đừng nói gặp mặt. Nếu diễn tả diễn biến tình cảm của nó, biểu đồ hình sin có lẽ là sự biểu đạt chính xác nhất. Nghĩ về anh, nhiều lúc nó thấy ngột ngạt, khó chịu. Có lúc muốn bỏ đi đâu đó một thời gian, nhưng sự săn sóc, chiều chuộng của anh không để nó có những khoảng trống đó.
Anh đi công tác đột xuất. Hai tuần chậm chạp trôi qua như trêu gan nó. Dẫu biết hiện nay khoảng cách địa lý dễ dàng bị thu hẹp bởi nhiều phương tiện, nhưng nỗi nhớ anh như đang thiêu đốt nó, từng phút, từng giây. Nó đếm ngược từng ngày, nóng ruột đợi tin anh.Nhưng nó nhận ra mình không còn nóng nảy mỗi khi anh gọi trễ hay không gửi mail cho nó vì quá bận. Có lúc, nó ước mình biến thành con muỗi, bay đến đậu trên vai, trên tóc anh, để theo anh khắp mọi nẻo đường, để nỗi nhớ anh thôi làm tình làm tội nó. Nó tưởng chừng đến ngày anh về, biết đâu nó đã tan ra thành mây khói. Anh cũng vậy. Thời gian dành cho nhau không nhiều, không đủ để diễn đạt nỗi nhớ nhung bằng lời thì làm sao có thể tranh cãi qua… điện thoại? Những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy trở nên quý giá biết bao!
Rồi anh về. Anh bảo thấy nó đằm thắm hơn. Nó bảo có hai tuần mà làm như lâu lắm để nó thay đổi, nhưng từ trong thâm tâm, nó biết rằng sự xa cách đã làm nó thay đổi thật sự. Dẫu có cãi nhau, có giận nhau đến mấy, nó vẫn cần anh, bởi nó hiểu nó yêu anh biết dường nào. Nó không còn muốn có những “khoảng trống” như thế nữa, nhưng nó nhận ra sự quan trọng của sự xa cách đôi khi rất cần thiết để người ta thay đổi “không khí”, làm mới tình yêu của mình.
Trong tình yêu, người ta thường sợ sự xa cách. Có những khoảng cách làm phai nhạt tình yêu. Nhưng cũng có những khoảng cách làm tình yêu thêm đậm sâu, gắn bó. Ngạn ngữ có câu: “Xa cách trong tình yêu như gió đối với lửa: nó thổi bùng ngọn lửa lớn và thổi tắt ngọn lửa nhỏ”. Nếu hiểu rõ “ngọn lửa tình yêu” của mình lớn hay nhỏ, hãy biến sự xa cách trở thành gia vị để món ăn - tình yêu của mình thêm đậm đà, bạn nhé!
(ST)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét